Một ngày mùa Xuân năm 1967, lúc đó tôi vừa tròn hai mươi, tôi bước vào đời với một nắm học thức gần như là quá ít ỏi
để bắt đầu cho cuộc sống, không phải dễ dàng gì của một cô gái muốn có một cuộc sống tự lập, mà chỉ có những người
đồng cảnh ngộ như tôi mới có thể hiểu được.
Nguyên tắc của tôi là phải làm sao đổi mới chính mình từng ngày một, có
nghĩa là tôi phải học hỏi từng ngày, ngày hôm nay của tôi phải hơn ngày hôm qua một chút, thêm một kinh nghiệm, hoặc
một chữ cũng được miễn sao là tôi có lòng tự tin với chính bản thân mình, việc này đã khiến tôi nhiều lúc phải hoảng
sợ đến rơi nước mắt vì có thể tôi không có đủ niềm tin để đi đến mục đích cuối cùng mà tôi vẫn hằng mong muốn.
Sau một năm học về ngành thương mại, sẵn có một số vốn ngoại ngữ tàm tạm tôi đã được tuyển vào một Công ty có tầm
cỡ qui mô đứng hàng Top của thế giới thời lúc bấy giờ đó là PACIFIC ARCHITECTS & ENGINEERS, INC. Với công việc đầu
tiên là Bí thư (secretary) 02 - 02 - 1967. Với Số Ser: 023848 cũng có nghĩa là người nhân viên thứ 23.848 của hãng.
Tập tễnh trong một công việc quá mới mẻ cũng không kém phần khó khăn, có thể nói quá khó cho một ngành chính yếu của hãng mà hầu hết các đồng nghiệp tiền bối đã chê vì tính cách quan trọng và nhiều trách nhiệm của ngành này.
Big constructions, Supplies, Supports, Logistics, nói nghe thì có vẻ như đơn giản nhưng sự thật thì công việc quá nhiêu
khê, vì là công trường mới mở được vài tháng cho nên chưa có Giám Đốc điều hành, nên mổi ngày khi mở cửa vào
văn phòng tôi phải choáng váng vì đống hồ sơ gồm đủ thứ: bulletin, catalog, requisitions order, distributions, v.v
cho nên tôi suốt ngày phải đọc và làm theo yêu cầu, nhân viên thì quá ít ỏi, tôi hỏi luôn miệng vì những từ ngữ quá
chuyên môn đến nỗi hai người đồng nghiệp lúc đó là Yi pyong Park và Mario Arrietta phải cáu lên:
- Có một chữ mà hỏi đến mười lần rồi mà cũng chưa nhớ!
- Thiệt tình!
Nhưng tôi cũng cố gắng vả lả cho qua chuyện, đang học nghề mà nhịn
nhục một chút có sao đâu. Đến tháng thứ sáu cũng vẫn chưa có Giám đốc tôi bắt đầu quen với những công việc hằng
ngày; ghi giờ cho nhân viên xong, phát lộ trình cho khoảng 50 tài xế, phân phối order xuống Warehouse, Requisitions
Order cho Stock Control.
Tôi bắt đầu đọc công văn, sau đó viết descriptions works để yêu cầu thêm nhân viên, và cuối cùng là làm planning cho nhân viên vào ngày mai, với một đống hàng phải nhập kho, phải phân loại cho cẩn thận, để
coi !
- Phải cần thêm hai thư ký đánh máy và một file clerk cho mình, hồ sơ bề bộn quá mà.
Sắp đến giờ giải lao, tôi nghe tiếng kẻng từ bên trại Mộc vọng lại 10 giờ đúng, tôi đứng lên để đi lấy Cà phê, nhìn
ra cửa tôi thấy Giám đốc Hành chánh Hamilton đang đi về văn phòng của tôi, với chiếc áo dài trắng đi bên cạnh.
Ai
vậy cà ?
Tôi đứng tựa vào bàn viết như đang chờ đợi, không hẳn là chờ đợi mà là tò mò, khi đến chỗ đứng của tôi, vẫn
là nụ cười méo một bên miệng ông nheo mắt ngó tôi nói:
- Tôi bận không vào đâu, miệng nói ông chìa tay đưa cho tôi
tờ giấy giới thiệu. Nhân viên mới, tôi đưa tay đón lấy tờ giấy mắt vẫn không ngừng quan sát cô gái, ông vội vã quay
lưng sau vài câu giới thiệu qua loa, đi được vài bước ông quay trở lại nói thật nhanh.
- Nhớ đề tên cô vào phía
dưới Chef Supply Division tên của cô với chữ Acting phía trước rồi ký tên luôn, ông lẩm bẩm càu nhàu, đã nói rồi
cứ quên hoài, phiền quá !
Tôi cười ruồi trở vào với người mới và bắt đầu thẩm vấn, mắt vẫn dán vào tờ giấy, sinh
năm 1949, có 18 tuổi thôi à?
Tôi bắt đầu quan sát cô gái kỹ hơn, tôi chú ý tới miếng phù hiệu trường Trung Học trên
vạt hò của chiếc áo trắng nữ sinh, tôi lúng túng hỏi;
- Cô học đến đâu rồi ?
- Dạ lớp Đệ tam.
- Sao không đợi thi Tú tài xong rồi hẵng đi làm ?
- .....
- Cô nên trở lại trường học thêm một năm nữa đi, sau đó trở lại cũng chưa muộn.
- ....
Tôi ngước mắt nhìn cô gái xin việc, khóc rồi à!
- Có ai làm gì đâu mà khóc nức nở vậy ? Chưa thẩm vấn xong mà !
Tôi im
lặng một lúc cuối cùng tôi đưa mắt sang người bạn đồng nghiệp như cầu cứu. Mario Arrietta mím miệng lắc đầu. Cô
gái nấc lên nghẹn ngào, bây giờ đổi lại người lúng túng chính là tôi chớ không phải cô gái đến xin việc, tôi đứng
lên đi về phía Mario Arrietta hỏi:
- Thấy sao ? Còn đi học chưa có kinh nghiệm hay khả năng gì hết, có muốn nhận
không ?
Không thèm nhìn tôi y trả lời:
- Cần người biết việc chứ không phải chỗ dạy nghề. Không biết gì hết thì ai đánh máy
cho tôi? Cô có chịu làm thế cho cô ta không ?
- Trời đất ! Bộ ông tưởng công việc của tôi ít lắm sao ?
Tôi ngước nhìn
cô áo trắng vẫn đứng khóc, có lẽ cô cũng cảm nhận được mức độ căng thẳng của giây phút đó, chiếc phù hiệu trên vạt
hò của chiếc áo trắng làm cho tôi hơi bần thần, tôi hạ giọng;
- Thì coi như thử việc đi, sau hai tuần từ chối cũng không muộn !
- ....
Quay lại phía cô gái tôi hỏi:
- Cô nghe thấy rồi phải không ?
- ...
Cô cũng không ngưng khóc, loại vũ khí này xem ra cũng
không tệ, tôi bưng ly cà phê đến mời, cô từ chối nói không biết uống, tôi nói tiếp như ra lệnh:
- Ở lại đây ăn trưa đi, tôi sẽ giới thiệu với mọi người !
Thì giờ của tôi cũng rất eo hẹp, không nói gì thêm tôi trở lại bàn của mình tiếp tục công việc, nhưng tôi cũng không quên dặn dò cô gái:
- Phải ráng cố gắng nghe cô, có làm được việc người ta mới nhận đó !
: Cô dạ thật nhỏ như chỉ để cho một mình tôi nghe.
Nãy giờ Mario cứ nghe tôi nói tiếng ViệtNam với cô thư ký mới, y đưa tay lên chỉ về phía tấm bảng treo trên vách
có hàng chữ " english spoken here only" rồi pha trò :
- Nhòn nhòn !
Làm cho cô thư ký mới, phì cười nín khóc.
Câu chuyện này hôm nay nhớ lại tôi thấy như mới hôm qua thôi, vậy mà thắm thoát đã hơn bốn mươi năm rồi, thời gian quả thật là tàn nhẫn không chừa một ai.
Những ngày kế tiếp chúng tôi thật khắng khít, trong sở làm tôi truyền đạt công việc cho người đồng nghiệp hay nói một cách khác
hơn còn là đồng môn của tôi, tôi cố gắng huớng dẫn những kỹ năng trong công việc làm, và chia sẻ những khó khăn bất cập, trong công việc mới của cô là stock control clerk, cô học ban Anh văn cho nên cô hiểu việc rất nhanh, vì bên cạnh cô lúc nào cũng có tôi sẵn sàng giải thích và hỗ trợ, bởi tấm phù hiệu trên vạt hò áo của cô thư ký mới đó là phù hiệu của trường Trung Học Công lập Tây Ninh, nơi mà tôi đã trải qua những năm dài tháng rộng học tập, vui đùa của một thời áo trắng sân trường với biết bao kỷ niệm khó quên.
Chúng tôi đã trở thành đôi bạn thâm giao, ngoài giờ làm việc chúng tôi kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm mà ngày đó chúng tôi chưa quen nhau. Cô kể lại cho tôi nghe một câu chuyện nghịch ngợm của cô lúc cô còn ở lớp đệ ngũ. Có thầy Nguyễn Mộng Lân rất là hiền từ dễ mến, nhưng thầy Lân có khuyết tật, một chân bị nhỏ cho nên thầy di chuyển hơi khó khăn, trong một buổi cắm trại toàn trường ở Rừng Thiên nhiên Toà thánh.
Trong lúc chơi trò bắt đuôi rắn, cô mời ngay thầy Lân làm cái đuôi rắn, chắc các bạn cũng đã biết trò chơi này, người làm đầu rắn thì có quyền lựa chọn cái đuôi, và
nếu đầu rắn làm trò gì thì mình và đuôi rắn phải làm theo, đi một chân, chụp ếch, giã khỉ v.v.
Ban đầu cô đi bình thường nhưng sau đó cô đổi kiểu làm con dã nhân, tội nghiệp cho thầy Lân phải té lên té xuống nhưng thầy rất vui, cả thầy lẫn trò cười bò hôm đó, thành thật xin lỗi thầy Lân tuy là như vậy nhưng thầy rất được các nữ sinh quí mến.
Tôi cũng kể cho cô thư ký mới của tôi một câu chuyện, một kỷ niệm khó quên cũng với thầy Lân,
chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Năm đó tôi học đệ tam vì là lớp không thi, cho nên có vài môn học không quan trọng
bị thiếu giáo sư, mãi cho tới gần hai tháng sau chúng tôi mới có được giáo sư Sử Địa, nghe thầy Giám thị Nguyễn
Ngọc Nam Hùng nói thầy tên là: Nguyễn Mộng Lân và đây cũng là buổi dạy đầu tiên của thầy mới này.
Một đứa lém lỉnh nhất lớp
bày trò, tên gì nghe ngộ vậy? - Nằm mộng thấy Lân? Nói rồi quay xuống ra lệnh cho cả lớp. - Bữa nay mấy bồ phải nghe lời
tui nghe!- Mình phải bắt khớp thầy mới nầy nghe! Bà nào không nghe sẽ bị xử tội đó nghe! - Bữa nay tụi mình sẽ làm khán giả xem đánh Tenis.
Thật là nhanh trí, cô bạn này nhỏ tuổi nhất lớp nhưng cũng lém lỉnh nhất lớp.
Cả bọn nhỏ nhao nhao OK. OK ,còn mấy chị lớn thì ba phải gật bừa. Keng,.. keng,.. keng.....!
Cả lớp im phăng phắt. Chuông
báo vào lớp thật là hồi hộp, nghe tiếng giày của thầy chầm chậm như rụt rè, bỗng chị Sen lớp trưởng hô:
- Đứng dậy !
Thầy có tên rất đẹp bước vào lớp, tôi cảm thấy hơi bất nhẫn nhưng đã lỡ đâm lao cho nên phải theo không thì chết với
mấy đứa đó.
Sáu mươi cặp mắt ngó theo thầy như...trái banh tenis. Chỉ được khoảng 10 phút sau đó thầy Lân trật bước té nhào giữa hai bục gỗ bảng đen và bục gỗ bàn viết.
Chúng tôi cả bọn bị một phen hết hồn hết vía, thiệt là !..hối hận quá trời đi, sao lại nghe lời TTP làm gì ?
Cả lớp im thinh thích, thầy Lân lồm cồm bò dậy quăng cục phấn
viết bảng chụp quyển sách đi thẳng xuống văn phòng.
Chị trưởng lớp Sen rất là hiền hậu lên tiếng:
- Coi chừng thế nào cũng bị phạt cho coi! Sau đó thì nghe tiếng giày hối hả của thầy Giám thị Nguyễn Ngọc Nam Hùng, thầy Hùng vào lớp như
chiến sĩ ra trận, giận dữ hét;
- Các chị đang làm cái trò quái quỉ gì thế ?
Thấy chết tới nơi cả bọn nhao nhao:
- Dạ..dạ..
đâu có gì đâu thầy ?
Thầy Hùng tiếp:
- Này..Này.. Các chị liệu cái thần hồn đấy nhé!!.. Coi chừng tôi bỏ tù hết cả lớp
đấy!!..phải thật thà nghiêm túc đấy!
.Nói rồi thầy Hùng hậm hực mắng:
- Đàn bà con gái gì mà quỉ quái thế không biết !.
Mắng xong thầy Hùng vội vã trở về lớp dạy của thầy, là Giám thị nhưng thiếu giáo sư cho nên thầy cũng rất bận.
Một lát sau thầy Lân trở lại, bọn tôi đứa nào đứa nấy không dám ngó lên, cho tới bây giờ đây khi thời gian đã năm
mươi năm trôi qua, lòng tôi vẫn còn ái náy, em xin lỗi thầy Lân, muôn ngàn lần xin lỗi thầy.
Vậy mà thầy không để bụng giận, lại còn rất thân thiện dễ mến. Có lần thầy tâm sự:
- Lúc mới ra trường tôi không muốn đi Tây Ninh vì nghe nói ở Tây Ninh nắng cháy da, còn dân Tây Ninh thì đen giống như Cao Miên vậy, có dè đâu ngày đầu tiên vào dạy lớp nữ sinh, thấy giống như đi vào tiệm vàng, chị nào cũng xinh đẹp
bởi vậy cho nên.....
Suốt năm học với thầy Lân, chúng tôi rất quí thầy, thầy Lân đã chinh phục được cảm tình của chúng tôi sau đó. Không
biết thầy Lân hiện giờ ở đâu ?
Cho dù ở một nơi nào đó mong thầy đọc được những dòng chữ này, em thành thật mong
thầy tha lỗi, và xin gởi đến thầy lời chúc sức khoẻ, vạn sự lành.
Trở lại câu chuyện người bạn đồng môn của tôi, cuối năm 1968 chúng tôi được hãng gởi đi thụ huấn chuyên môn về
quản trị (Management) cả hai chúng tôi rất vui mừng, vì đi học để hoàn chỉnh nghiệp vụ và cũng là cơ hội để có thêm thu nhập, bởi
vì chúng tôi được trả tiền lương như đi làm, ngoài ra còn được hưởng thêm tiền ăn, ở, mỗi tháng hãng còn trả thêm 30.000 đồng, sau hai năm làm việc cực khổ đây cũng là dịp nghỉ xả hơi, chúng tôi cùng đi mua sắm thật là thoải mái.
Đất Sài gòn không thấy chiến tranh, cuối tuần đi ăn phở, ăn kem, và buổi tối còn đi nghe nhạc phòng trà, cả hai đứa đều xinh xắn cho nên nhìn cuộc đời bằng một màu hồng. Mãn khoá cô bạn tôi chiếm hạng nhất và tôi thì với hạng nhì của
toàn quốc. Giám đốc của chúng tôi rất hãnh diện về thành quả của chúng tôi, sau khoá học tôi mới ngộ ra rằng tôi đã
đảm nhận một công việc làm của một CEO, mà khoá học của chúng tôi đã nâng cấp, và hoàn chỉnh khả năng để thích ứng với công việc. Tôi nghĩ: Thì ra bao lâu nay tôi đã bị xử ép, là chỉ trả giá lương của thư ký bí thư (secretary assistant direction)
đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, cuối cùng tôi đòi lên lương.
Đầu năm 1970 hãng bị mất một số contract, chiến tranh sẽ kết thúc, tụi mình phải làm gì đây ta!. Phải chấp nhận đổi
đi xa? Hay là đổi sở làm ?
Cho đến giữa năm 1970, hãng đóng cửa chỉ giữ lại một số nhân viên.
Vì ngại phải bị đổi đi xa, chúng tôi chấp nhận layoff, lãnh tiền bồi thường và tìm việc khác, tôi được trúng tuyển vào
ngành ngoại giao, sau đó ít lâu nguời bạn gái đồng môn của tôi cũng đuợc tuyển vào, nhưng khác phòng. Trời đã không phụ lòng chúng tôi, chúng tôi lại có cơ hội gần nhau trong công việc, một lần nữa, có dịp chia sẻ những ưu tư trong tình bạn thân, có lúc thức trắng đêm để tâm sự .
Chiến tranh càng lúc càng thêm gay gắt, phải cố tìm cho mình một hướng
đi khác đồng thời cũng phải học tiếp để tiến thân, sau khi có được Tú tài 2, bạn tôi về làm thư ký cho Đại Học Luật
để cho tiện, tôi vẫn còn công việc trong ngành ngoại giao.
Cuối năm 1972 tôi lập gia đình, bạn tôi vẫn tiếp tục năm
thứ 2, Chính trị kinh doanh, nhưng bất cứ lúc nào có cơ hội chúng tôi vẫn thường gặp nhau, tôi lập gia đình vì thấy mình cũng đã đến lúc phải có một mái ấm, đã làm thân con gái thì ít ra cũng phải thông minh, tôi cũng đã 25 tuổi rồi
còn gì, nếu không thì có ngày sẽ bị làm bà thím lủc nào không hay.
Tôi quyết định thành hôn và bỏ cuộc, bạn tôi trẻ hơn tôi ba tuổi, cho nên quyết định theo đuổi việc học năm thứ 2,
từ một cô học trò nhỏ lớp đệ tam thôi, bạn tôi vừa đi học vừa phải đi làm nuôi gia đình gồm cha mẹ và 5 đứa em lứa tuổi ăn
học. Cũng giống như tôi phải gánh vác tất cả, từ việc nuôi gia đình còn thêm phải gầy dựng sự nghiệp, cuối cùng tôi
cũng đã tạo được một gia sản đáng kể, tôi hài lòng với sự thành công của mình vì đó là sự nghiệp của một đời người,
ở tuổi 25. Sở dĩ tôi nói hết những chuyện này ra là vì muốn cho bạn hiểu tôi hơn.
Tôi muốn xoá đi mối tị hiềm nhỏ nhoi của
người đời, mà tôi chưa bao giờ có dịp thố lộ. Những người bạn được may mắn hơn chúng tôi, có điều kiện ra ngoại quốc du học, kinh tế, ngân hàng, hay ngành ngoại giao, cuối cùng thì may mắn lắm thì cũng tìm được những công việc như
chúng tôi, có nghĩa là phải có một khả năng vuợt trội, để có thể có được một công việc làm có thu nhập cao, là điều mà tất cả mọi nguời đều mong ước.
Tôi kể lể như vậy để các bạn gạt bỏ những thành kiến với chúng tôi, đi làm cho Mỹ có gì là không danh giá? Chúng tôi có một điểm giống nhau là nặng gánh gia đình, phải bỏ học để sinh tồn trong thời buổi khó khăn, có gì đâu mà các
bạn coi rẻ, bỏ học sớm để mưu sinh nhưng cũng tìm đường tiến thân, cho dù bằng cách nào chăng nữa, chúng tôi cũng luôn luôn hãnh diện về bản thân của chính mình.
Ở các nước văn minh tiên tiến, cho dù là sinh trưởng trong một gia
đình triệu phú, các bạn trẻ cũng phải tìm cách tự lập giống như chúng tôi.
Bằng cách tìm bất cứ việc làm gì để có tiền tiêu vặt,mua xe để làm chân đi học, đi làm, cho nên các bạn ấy phải làm tất cả .
Từ việc bưng bê cho tiệm ăn, bán hàng, tiếp viên quán bar, lau dọn siêu thị, luôn cả việc hốt rác, nhưng lúc nào họ cũng hãnh diện vì họ đã biết cái giá của lao động, và giá trị của đồng tiền mà họ đã kiếm được.
Nhưng ở Việt Nam thì thiên hạ có cái nhìn khác hẳn, cũng may là chúng tôi chưa phải đi làm những việc tương tự.
Sự khiêm nhuờng của chúng tôi, cộng thêm ý chí cuối cùng cũng tạm gọi là thành đạt. Nếu đất nước không gặp
phải điêu linh, chúng tôi còn tiến xa hơn nữa.
Trong những năm tranh đấu với đời đầy gian nan chúng tôi thường bị thành kiến trong cách đối xử, người đời thường hạ nhục chúng tôi là: Mấy cái con làm sở Mỹ, nhưng tôi bất cần, bởi
họ luôn ganh tị và kém hiểu biết, hơn bốn mươi năm sau thì họ mới hiểu ra rằng, muốn được như mấy cái con làm sở Mỹ như chúng tôi
cũng không phải là chuyện đơn giản.
Lúc còn học trường THCL Tây ninh tôi lúc nào cũng mơ ước có được một hoàn cảnh sống
tốt, có cha mẹ lo đầy đủ cái ăn, cái mặc, để đầu óc được thoải mái học hành, nhưng số phận không may cho nên phải long
đong tìm phương cách để sinh tồn, tôi cũng được biết có nhiều chị con nhà giàu quần áo bảnh bao, đi học mà mang giày guốc sang hơn cả nữ giáo sư.
Học hết trung học xuống Sài gòn cả năm bảy năm, tốn không biết bao nhiêu công sức của gia đình, cuối cùng có bạn
cũng chỉ là lỡ thầy, lỡ thợ chỉ có mảnh bằng tú tài và một hai chứng chỉ đại học Luật khoa, để dành bỏ vào thùng thiếc lắc
xèng xèng thôi, không làm nên tích sự gì cả nhưng mà tính khí thì kiêu căng, tự đắc, không biết vì cái gì?
Điều tôi muốn
xin thưa với bạn là có bằng cấp chỉ là một bước ngoặc, là mới chỉ bắt đầu thôi, mà quá trình (carriere) làm việc mới là chính yếu, hảy kiểm điểm
lại xem trong cuộc đời của mình, mình đã làm nên việc gì? Có thành đạt không? đó mới là điều đáng nói, đỉnh núi này cao còn có đỉnh khác cao hơn, khua môi múa mỏ chỉ là phường múa rìu qua mắt thợ.
Sống trên đời rất khó, nhất là phải biết sống tốt không làm gánh nặng cho ai, tự lập, tự cường, phải biết nhường
nhịn nâng đỡ lẫn nhau, nếu muốn có sự chân tình, trước tiên phải cư xử thật lòng.
Người đời có câu :" Tất cả gà con đều chui ra từ trong quả trứng ". Có khác chăng là điều kiện sống, bạn may mắn có hoàn cảnh sống tốt, bạn nên
thương xót cho những kẻ kém may mắn hơn mình mới phải, đặt trường hợp nếu bạn bước vào trường THCL Tây Ninh sau 1957. Bạn sẽ nghĩ gì? Nếu bậc đàn anh của bạn đối xử như bạn đã đối xử với họ như bây giờ ?
Đó là một cách đối xử cá biệt, không bình thường, không có lý do chính đáng, không nghĩ đến lòng tự ái
của người khác, các bạn đã không khéo léo, khi không chấp nhận họ là đồng môn của bạn rồi đó.
Vậy thì chỗ đứng của bạn hiện nay là gì? đối với bọn trẻ?
Lập ra hội CHS Tây Ninh chỉ dành riêng cho lớp Đệ nhứt đầu tiên thôi. Việc này các bạn thử suy nghĩ xem có quá lố
bịch không?
Ý tôi muốn nói là cái hội này sẽ bị khai tử trong một thời gian nữa thôi, có phải như vậy không ?
Điều tôi muốn là bạn phải giải thích cái lý do, bởi vì có người tuyên bố rằng ;
- Nếu để các lớp khác tham dự vào sẽ bị loãng ra không tốt.
Không biết chúng ta đang ở trong thời đại nào rồi? Và những anh hai chị cả đang xài luật gì đây? Chẳng lẽ là luật rừng ?
Nếu đúng
như vậy thì tôi đây cũng không còn gì để nói nữa, tôi chỉ xin bạn hãy suy nghĩ về sự mạo muội của tôi.
Thật ra cuộc
sống này quá phức tạp, có quá nhiều bon chen và vị kỷ, luôn luôn chỉ thích đánh bóng tên tuổi của mình không biết
để làm gì ?
Tôi thiển nghĩ;
Sống sao cho có đạo đức, không làm mất mặt thân quyến. Không làm tổn hại tới hạnh phúc của gia đình người khác. Không làm tổn hại đến danh dự người khác.
Phải xử sự đúng đắn để có được sự nể vì, đó cũng là một đạo lý đáng khen.
Thỉnh thoảng đi qua ngôi trường cũ, nhìn thấy các em nhỏ lao xao trong lớp học, lòng tôi
bùi ngùi, ước gì thời gian quay ngược lại, cho tôi được sống lại tuổi thơ đầm ấm, đầy đủ như các bạn khác được nuông chiều, ấp ủ, thương yêu, được hưởng tuổi thơ vô tư lự, bao nhiêu là những niềm mơ ước rất tầm thường của tôi, tôi
không có được bao giờ. Nỗi niềm ước mơ hụt hẫng luôn luôn hiện diện trong tôi, mặc dù bây giờ cuộc sống của tôi cũng
được hài hoà, tôi vui với sự thành đạt của con cái, tôi ráng lo cho chúng có cuộc đời tươi sáng hơn tôi, tôi muốn cho chúng nó những gì khiếm khuyết mà tôi luôn ao ước.
Người bạn đồng môn của tôi hiện ở cách xa tôi nửa vòng trái đất, nhưng chúng tôi không cảm thấy xa nhau, chúng tôi vẫn chia sẻ luôn về những băng khoăn trong cuộc sống, bởi chúng tôi
thấy cuộc đời này quá ngắn cho những tị hiềm nhỏ nhoi.
Có một số người tự đặt mình ở chỗ quá cao, không muốn sống hoà đồng với những thế hệ đàn em. Tôi muốn hỏi những kẻ
đó suy nghĩ gì? Cuộc đời của họ có thể đến 200 tuổi chăng?
Những chia rẽ, những tự cao, tự đại đó kéo dài được bao
nhiêu lâu hay cũng phải theo luật tạo hoá "Tre già măng mọc".
Suốt đời tôi, tôi phải học hoài chữ NHẪN coi như là chìa khoá thành công của tôi, trong quá trình 43 năm làm việc,
bạn có thể hơn tôi trong vài điều kiện sống, nhưng hãy coi chừng bạn thua tôi sự tranh đấu với đời, sự kiên trì, sức
chịu đựng và quá trình thời gian làm việc, tôi đã đi đến đích rồi đó bạn thấy không?
Tôi giờ đây đã về hưu, chỉ còn
lại chút ít thì giờ sống vui với con cháu, đi du lịch và viết lách cho giải khuây, tôi luôn ngước mặt lên cao để
nhìn cuộc đời, bởi tôi đã làm được một điều đáng kể cho tôi là "vượt lên với chính mình" thoát ra khỏi cảnh khốn
cùng, mà tôi đã bắt đầu từ khi còn quá nhỏ, từ hai bàn tay trắng với số vốn học thức có thể nói là quá..quá khiêm
nhường.
Trong sân chơi văn nghệ, văn gừng này tôi không vụ lợi gì đâu! Chỉ là chị hát em vỗ tay, em hát chị vỗ tay,
đơn giản vậy thôi, đó là cùng nhau tìm vui trong những ngày tháng cuối đời.
Nhưng có những chuyện xảy ra làm cho tôi quá ngỡ ngàng, có đáng gì đâu mà phải ganh tị, bon chen dùng những thủ
đoạn hèn hạ để dìm tôi xuống thì bạn có được lợi ích gì?..
Bởi thói thường hoa đẹp thì nhiều người thích, văn thơ
hay thì nhiều người ái mộ, chuyện này thật bình thường, bạn suy nghĩ lại xem có đúng không?
Bạn có cố sức mấy đi
nữa bạn cũng không thể áp đặt được ai đâu!
Không thay đổi được gì đâu?
Nên để dành đầu óc tỉnh táo để có thể viết
lên những lời văn, lời thơ nghiêm túc và truyền cảm, làm lay động lòng người, hay hơn.
Coi chừng tư cách của mình rùm
beng không hay ho gì đâu, phải đối xử với tôi giống như tôi đã đối xử với người bạn đồng môn của tôi vậy!
Tôi đã nhường nguyên cả đất nước này cho các bạn gần bốn mươi năm rồi, bấy nhiêu đó chưa đủ sao?
Cho dù
bạn có muốn hay không, thì tôi đây nhất định cũng là đồng môn của bạn rồi.
Có những đứa nhỏ mới lên hai, lên ba nó đã biết cách xử thế, cũng có những người 70 tuổi cũng chưa giác ngộ.
Lời
vàng ngọc của Đức Phật Tổ Như Lai có nói:
- Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.
. - Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị.
- Khiếm khuyết nhất của đời người là kém hiểu biết.
Bạn tự kiểm điểm lại mình đi, ba điều này hình như không có dính dấp gì đến bằng cấp của bạn đó, hèn gì có người
ôm mấy bằng cấp mà chẳng làm nên tích sự gì.
Bạn muốn tôi suy tôn bạn và chấp nhận cách xử lý của bạn là đúng
phải không? À..! Việc đó phải để tôi và các bạn nhỏ của tôi suy nghĩ lại cái đã.
Tôi chỉ là có tính khí thành thật, muốn san sẻ những điều gút mắc của vấn đề tới các bạn, chớ không hề có yêu cầu bạn phải làm gì cả, tôi chỉ muốn gởi tới các bạn một thông điệp về mối thâm giao giữa tôi và người em gái học cùng trường, một cách đối xử với nhau trong tình bạn đồng môn. Cho dù với một em nhỏ 12 tuổi, một khi em đó bước vào cổng trường của tôi THCL Tây Ninh, tất nhiên em đó là bạn đồng môn của tôi rồi, tôi sẽ cư xử với em trong tinh thần đồng môn đúng nghĩa.
Thật là đơn giản .....rất là đơn giản phải không ?
Ngọc Ánh
Thân ái tặng người bạn đồng nghiệp cũng là đồng môn của tôi.
Nguyễn thị Kim Xuyến CHS Trung Học Công Lập Tây Ninh.
6124 W. Bryn
Main Ave. Chicago. - Ill.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire